Ngày 20/3/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội nghị trao đổi với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Kiến nghị của nhà đầu tư

Tại hội nghị, đại diện một số chủ đầu tư mong muốn được sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các vấn đề về cơ chế chính sách,  hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền để thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với các dự án được sớm triển khai.

Các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều câu hỏi, thắc mắc, khiếu nại và đề xuất. Có thể phân các ý kiến ra thành ba nhóm: Giá điện, thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện và đề xuất giải pháp tình huống.

  • Thứ nhất: Về giá bán điện: Có nhiều thắc mắc về cách tính giá. Phía chủ đầu tư nói chung không đồng ý với việc lấy công suất cao nhất (P50) của nhà máy có điều kiện thuận lợi nhất để tính công suất điện. Một số nhà đầu tư yêu cầu phải có thêm tính toán giá do tư vấn độc lập tiến hành.
  • Thứ hai: Về thủ tục đàm phán mua bán điện: Các nhà đầu tư cho rằng: Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn về đàm phán hợp đồng mua bán điện chuyển tiếp
  • Thứ ba: Về đề xuất, kiến nghị: Các nhà đầu tư đề xuất cho phép giải tỏa công suất ngay vì đó là hơn 2.000 MW điện đang bỏ phí từng ngày, đó là nguồn lực lớn của toàn xã hội chứ không riêng của nhà đầu tư.

 

 

Giải đáp từ EVN

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực giải thích thêm về cơ chế hình thành giá và EVN phải chấp hành khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến từ các chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan ghi nhận ý kiến của các chủ đầu tư tại hội nghị, đồng thời mong muốn Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán, làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán.

Đại diện EVN EPTC cho biết đến 20/3/2023 chỉ mới nhận được một bộ hồ sơ của nhà đầu tư cho hợp đồng mua bán điện. Việc đàm phán chỉ có thể tiến hành sau khi EVN EPTC nhận được đầy đủ hồ sơ.

 

Nguồn:Năng Lượng Việt Nam_Hội nghị trao đổi giữa EVN với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo